Tin tức

Xây dựng trung tâm hành chính: Bài học đắt giá

25 Sep,2019

Trước thông tin và dư luận phản ứng về chuyện di dời TTHCTT thì ngày 13/8, Đà Nẵng chính thức phát thông cáo báo chí liên quan đến vấn đề này. “Cùng với các ưu điểm, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện một số hạn chế, chưa phù hợp so với các yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và một số yêu cầu kỹ thuật. Tại một số vị trí của khối tháp có tình trạng nóng; một số phòng họp trong từng thời điểm nhất định xuất hiện việc thiếu dưỡng khí. Hiện nay, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có phương án triển khai khắc phục tình trạng nóng và thiếu dưỡng khí. Việc quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang được giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho thật sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của TP Đà Nẵng và phải đảm bảo tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện. Đến nay, lãnh đạo TP chưa có bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận về vấn đề này”.

Câu chuyện về sự bất cập của TTHCTT Đà Nẵng không phải bây giờ mới nói mà thực sự bây giờ mới dám nói công khai sau khi đã tìm mọi giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa có giải pháp nào đảm bảo được các tính năng yêu cầu đã đề ra. Vấn đề đúng sai, di dời hay sử dụng vẫn chưa biết nhưng việc nhìn thẳng vào nó một lần để tìm ra hướng giải quyết phù hợp thì đây vẫn là một giải pháp được xem là tối ưu hiện nay mà chính quyền Đà Nẵng đã lựa chọn.

Lựa chọn nào cho Đà Nẵng thì KTS Hoàng Quang Huy – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng) cho biết nên di dời TTHCTT của Đà Nẵng vì sức khỏe, môi trường làm việc của cán bộ công chức. Người ta mà làm việc mấy chục năm trong đó mà điều kiện môi trường làm việc không tốt thì chuyển người ta đi đến nơi nào làm việc tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cống hiến lâu dài hơn.

Nói về giá trị đầu tư lớn nay thay đổi gây lãng phí thì KTS Huy cũng cho rằng, không thể nói đến tiền ở đây. Bởi vì khi đầu tư TTHCTT này, Đà Nẵng đang ở trong giai đoạn đẩy nhanh tốc độ phát triển. Cả TP nhộn nhịp lên như một công trường thì có thể có những sai sót trong xây dựng chứ không thể tránh được. Tuy nhiên bây giờ đưa vào sử dụng mà nó không đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ công chức tại đây thì buộc phải thay đổi, chuyển công năng sử dụng của nó sao cho vẫn đảm bảo được giá trị xây dựng của nó.

Việc di dời đến đâu, ông Huy cũng cho rằng nên tách ra làm hai địa điểm di dời. UBND TP là cơ quan công quyền, quyền lực cao nhất nên đưa về lại vị trí cũ ở số 42 Bạch Đằng. Trụ sở UBND TP cũ rộng mênh mông như thế để không làm gì cho lãng phí. Nếu xét về mặt phong thủy thì địa điểm cũ này là truyền kiếp từ đời nào tới giờ và nơi này đã hình thành nên một nếp quen thuộc trong người dân Đà Nẵng rồi. Đối với các sở, ban ngành nên xây dựng một tổ hợp hành chính liên ban ngành. Vị trí thì nên chọn ở vị trí mà lâu rồi TP đã từng có ý tưởng di dời về là khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khu vực này được đánh giá là tốt.

Đánh giá công năng của tòa nhà chuyển đổi theo hướng nào phù hợp, ông Huy cho rằng nếu chuyển đổi công năng thì chỉ có thể chuyển sang làm một trung tâm thương mại hoặc cải tạo thành thư viện, trung tâm văn hóa. Nếu cải tạo thành khách sạn, căn hộ thì hơi khó tổ chức lại cả một hệ thống phức tạp. Theo hình tròn thì lại càng khó cải tạo lại hơn. Hệ thống kính có thể gỡ ra được nhưng gỡ kính ra thì phải thay bằng loại vật liệu gì thì cần phải tính toán chứ không phải là điều đơn giản.

Trước thông tin đồn thổi chủ nhân tòa nhà bên cạnh có thể mua là hợp nhất thì ông Huy cho rằng, nếu có một đơn vị mua lại thì quá tốt, coi như cứu cho lãnh đạo Đà Nẵng, đỡ lãng phí hơn nữa. Chuyện mua bán này thì phải thỏa thuận và phù hợp chứ không nên vì thế mà bán với một cái giá quá rẻ. Người ta sử dụng cho anh mang lại một chức năng khác thì không phải là xấu.

Đi hay ở là một câu chuyện dài kỳ trong thời gian tới. Ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 11/8, ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Đà Nẵng cũng đã trả lời: Quan điểm là phải làm cẩn thận, nếu di dời tốt hơn mới làm. Chủ trương là vậy nhưng việc này còn phải đưa ra bàn, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và người dân.

Được khởi công xây dựng vào năm 2008 và được đưa vào sử dụng tháng 8/2014. TTHCTT Đà Nẵng được thiết kế cao 36 tầng trong đó có 2 tầng hầm, tòa nhà cao 166,8m. Công trình được xây dựng tại khu đất rộng 23.318m2, tổng diện tích sàn toàn bộ toà nhà là 65.234m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu từ 880 tỷ tăng lên đến 2.131,3 tỷ đồng.Phương án thiết kế kiến trúc của TTHCTT Đà Nẵng được thiết kế theo phong cách hiện đại là nơi làm việc cho các cơ quan ban ngành của Đà Nẵng. Phương án thiết kế kiến trúc được tổ chức thi tuyển rộng rãi theo hình thức quốc tế. Thiết kế kiến trúc mang hình dáng ngọn hải đăng của Cty Mooyoung Architects & Engineers Hàn Quốc đã được lựa chọn.


1
Bạn cần hỗ trợ?